Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng bộ NN&PTNT, Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy, CT.HĐND tỉnh Hải Dương thăm các gian hàng tại lễ hội
Tham dự Lễ hội có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở: NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các doanh nghiệp. Về phía huyện nhà có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Vũ Xuân Đạt, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy; Vũ Thị Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện ủy, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các phòng ban, đại diện 7 xã có vùng sản xuất hữu cơ và đông đảo các hộ dân trong vùng sản xuất lúa hữu cơ xã An Thanh.
Lễ hội Lúa, rươi, cáy hữu cơ vụ Xuân 2022 lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ vào thời điểm thu hoạch lúa vụ chiêm xuân, mang theo hy vọng một vụ lúa bội thu được mùa, được giá với bà con nông dân. Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, trong suốt quá trình khai thác rươi, cáy, người dân An Thanh nói riêng, Tứ Kỳ nói chung từ bao nhiêu năm qua luôn có ý thức giữ sạch môi trường canh tác, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học để tạo những vùng canh tác sạch, tự nhiên, không có hóa chất, là môi trường để con rươi sinh sống và phát triển. Trong một vài năm trở lại đây, với những hiểu biết và nhận thức khoa học về chu trình sinh trưởng và phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho những vi sinh vật phù du trong đất phát triển làm nguồn thức ăn cho loài rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân lợn, phân trâu bò đã được ủ mục để bón. Việc bón phân này cũng đồng thời làm tăng cường độ phì của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa. Hiện toàn huyện hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy tự nhiên. Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm khoảng 2.300 tấn/năm (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, đã có 5 sản phẩm từ bãi rươi được công nhận là sản phẩm OCOP. Khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.
Năm 2022, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy của xã An Thanh đã có những bước đột phá. Ngoài các giống lúa truyền thống đã gieo cấy trong những năm qua, vụ Xuân 2022 có thêm giống lúa mới được đưa vào canh tác, hứa hẹn cho vụ thu hoạch đạt năng suất kỳ vọng. Đó chính là giống lúa cho sản phẩm “Gạo ngon nhất thế giới” danh hiệu được vinh danh tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 tại Phillipines - giống lúa ST25. Qua vụ mùa 2021 và vụ Xuân 2022 cho thấy đây là giống lúa ít sâu bệnh, chống đổ tốt nhất trong các giống lúa hiện nay tại địa phương, năng suất, chất lượng gạo ST25 tại vùng nước lợ này rất thơm, dẻo, ngon, hơn hẳn các giống chất lượng đã gieo cấy trên vùng hữu cơ này từ trước đến nay. Đây là thành công lớn trong thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ đặc hữu, các sản phẩm chủ lực của xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, góp phần xây dựng thương hiệu các sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Đánh giá cao sáng kiến của huyện Tứ Kỳ trong việc tổ chức Lễ hội xuống đồng thu hoạch lúa, phát biểu tại Lễ hội, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, đây chính là dịp để địa phương tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, tôn vinh các đặc sản vùng miền. Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ đầy cảm xúc về tư duy làm "nông nghiệp vị nhân sinh” của chính quyền và nhân dân huyện nhà là quan điểm đúng đắn cần được triển khai sâu rộng không chỉ ở Tứ Kỳ mà cả ở Hải Dương và các địa phương khác, dành tình yêu cho nông nghiệp, yêu thiên nhiên, làm sạch, đẹp môi trường. Tứ Kỳ nói riêng và người làm nông nghiệp nói chung cần chú trọng tưới 4 nấc thang tạo ra giá trị gia tăng nông nghiệp. Xây dựng nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị và mong muốn trong thời gian tới, nông sản Hải Dương sẽ tiếp tục được nhân dân trong và ngoài nước biết tới và thưởng thức nhiều hơn.
Cùng với các huyện trong tỉnh, Tứ Kỳ là địa phương thứ 4 tổ chức Lễ hội nhằm nâng cao giá trị nông sản, văn hóa, lịch sử, đưa nông sản bay cao, bay xa, đến với người dân trong và ngoài nước, đến với những thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Đánh giá cao cách tổ chức của huyện, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tin tưởng và hy vọng, trong thời gian tới, với tư duy và cách làm mới, “đất đai có thể manh mún, nhưng tư duy không thể manh mún” nông thôn mới của xã An Thanh nói riêng, huyện nói chung sẽ ngày càng nâng cao và có nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc sản nông nghiệp được đón nhận.
Trong khuôn khổ Lễ hội lúa rươi hữu cơ năm nay, các đại biểu đã được thăm quan vùng sản xuất giống lúa ST25 hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy; thăm trưng bày một số sản phẩm chế biến từ rươi, cáy, gạo hữu cơ, chuối hữu cơ.... Đồng thời, nhằm khích lệ tinh thần lao động hăng say trong mùa thu hoạch lúa, Ban tổ chức Lễ hội tổ chức cuộc thi gặt lúa gồm 3 đội thi của 3 thôn: An Lao, An Định, Thanh Kỳ của xã An Thanh và cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa, chuối hữu cơ đầu tiên, khởi đầu cơ hội xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế. Cũng trong dịp này, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm lúa, chuối hữu cơ của các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm bao gồm Công ty cổ phần kinh doanh và chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty cổ phần nông nghiệp Thế hệ mới, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam, Công ty cổ phần Amei Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Rồng Đỏ...
Ngoài ra còn có lễ hội đùa nơm trên dòng sông Sồi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài xã đến xem và cổ vũ.
*Một số hình ảnh tại lễ hội:
Phạm Hoa