CÔNG AN HUYỆN TỨ KỲ ĐỘI CSHS-KT-MT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập -Tự do - Hạnh phúc   Tứ Kỳ, ngày 24 tháng 3 năm 2023 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật
Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập đã tác động lớn đến đời sống nhân dân nói chung, môi trường học đường nói riêng. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây trên địa bàn huyện, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, thậm chí có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại địa phương. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm hành vi như:
- Bạo lực học đường: Học sinh sử dụng mạng xã hội để gọi điện, nhắn tin, đe dọa, chửi bới và bêu rếu học sinh hoặc nhóm học sinh khác trên mạng xã hội, sau đó thách thức và hẹn gặp nhau để “thanh toán”.
- Sử dụng trái phép chất ma tuý: Học sinh sử dụng ma túy trá hình dưới dạng tem thấm, cỏ thơm, tinh dầu trong thuốc lá điện tử… Khi bị phụ thuộc vào ma tuý, do không có tiền mua thuốc nên dễ bị các đối tượng xấu ép buộc thành người vận chuyển, mua bán giúp chúng để rủ rê, lôi kéo học sinh khác sử dụng ma tuý.
- Tội phạm đường phố: Học sinh sử dụng xe máy che hoặc tháo biển số, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, đua xe. Đáng chú ý xuất hiện tình trạng các nhóm học sinh sử dụng mạng xã hội hẹn nhau tụ tập điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mang theo hung khí lạng lách, đánh võng tìm các nhóm học sinh khác để thanh toán, “giải quyết” mâu thuẫn hoặc vô cớ gây thương tích cho người đi đường.
Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện tình trạng đáng báo động trong môi trường học đường như: Quan hệ tình dục sớm, một số trường hợp mang thai ngoài ý muốn; Nghiện game, internet dẫn đến trộm cắp vặt; Một số học sinh nghe lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng quen biết trên mạng xã hội rồi bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, lêu lổng… nguy cơ trở thành nạn nhân bị buôn bán
Trong 06 tháng gần đây, Công an huyện đã phát hiện, bắt giữ 03 vụ, 08 đối tượng có hành vi mua bán TPCMT (cỏ thơm, chất ADB-BUTINACA có trong tinh dầu thuốc lá điện tử) (trong đó có 02 đối tượng là học sinh), 02 vụ, 24 đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích, gây rối TTCC (trong đó có 21 đối tượng là học sinh); 01 vụ, 01 đối tượng có hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi (nạn nhân là 01 học sinh). Truy tìm thành công 02 học sinh đang theo học tại một trường THCS trên địa bàn bị đối tượng quen qua mạng xã hội rủ rê, bỏ học, bỏ nhà đi khỏi địa phương, nghi nhằm mục đích buôn bán người.
Ngoài ra, vào tối thứ bảy, chủ nhật các ngày 18, 19/3/2023 Công an huyện đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải tán nhóm 9 đối tượng Tứ Kỳ đi 3 xe máy mang theo phóng lợn, dao kiếm đang trên đường đến nơi hẹn đánh nhau với nhóm học sinh Thanh Hà tại cầu Chữ Y, Khu đô thị EcoRiver, TP Hải Dương; đồng thời thông báo cho Công an thành phố Hải Dương phối hợp với Công an Gia Lộc, Cẩm Giàng bắt giữ, giải tán hàng chục đối tượng thuộc Cẩm Giàng, Gia Lộc (đi 10 xe máy) đang trên đường đến nơi hẹn. Qua trinh sát, số đối tượng Thanh Hà (đi khoảng 20 xe máy) thấy các đối tượng khác bị bắt đã tự giải tán, do vậy vụ việc được ngăn chặn. Bên cạnh đó, Công an huyện đã khống chế 03 nhóm với tổng cộng 45 thanh thiếu niên, học sinh mang theo hung khí để đi theo hỗ trợ, cổ vũ nhóm đối tượng Tứ Kỳ. Thu giữ 17 dao, kiếm, phóng lợn, gậy ba khúc, 10 xe máy tháo gương, không lắp biển, độ đèn, pô xe.
Qua quá trình điều tra, khám phá các vụ án nêu trên nhận thấy: Hiện nay, nhận thức pháp luật của một bộ phận học sinh còn thấp, chưa xác định được tính nghiêm trọng cũng như hậu quả do hành vi của mình gây ra. Vì vậy, chỉ đến khi sự việc xảy ra, bị lực lượng Công an phát hiện bắt giữ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhiều em học sinh mới nhận thức được hậu quả và phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Mức án cao nhất đối với người phạm tội về ma tuý là phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình; đối với người phạm tội cố ý gây thương tích là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; đối với người phạm tội gây rối TTCC là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; đối với người phạm tội giao cấu với người dưới 16 tuổi là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chính như sau:
1) Từ bản thân các em học sinh: Các em học sinh từ 12 đến 17 tuổi đang trong giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái “tôi” cá nhân cao, dễ xúc động, khó kiềm chế được lời nói, hành vi. Trong giai đoạn này các em còn non nớt trong kỹ năng sống, dễ bắt chước, học theo, chưa định hình được lý tưởng sống cho bản thân. Mặt khác các em rất muốn được thể hiện mình với vai trò là người trưởng thành, làm theo ý mình, tạo sự khác biệt nên rất dễ sai lệch về nhận thức và hành động.
2) Từ phía gia đình: Nhiều bậc phụ huynh mải làm ăn kinh tế, thiếu quan tâm chăm sóc, giáo dục và định hướng cho con cái, phó mặc cho nhà trường. Một số gia đình cha mẹ có kinh tế khó khăn, học vấn thấp, nghiện ngập, hay vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình, cha mẹ ly thân hoặc ly hôn… thường có quan niệm chỉ cần học biết chữ sau đó đi làm kinh tế, một số gia đình khá giả, có một con nên đã nuông chiều quá mức, tạo cho trẻ lối sống thích gì được nấy dẫn đến trẻ hư hỏng, không có tính tự lập. Một số phụ huynh thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục con trẻ.
3) Từ nhà trường: Một số trường học tập trung nhiều vào giảng dạy về kiến thức văn hóa, chưa chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh nên thiếu sự theo dõi sát sao, khuyên răn, hướng dẫn học sinh; Bên cạnh đó, một số tổ chức Đoàn – Đội trong trường chưa phát huy tốt vai trò của mình. Công tác phối hợp với gia đình để quản lý học sinh chưa thực sự hiệu quả (quản lý phương tiện, điện thoại, thời gian…).
4) Từ xã hội: Môi trường xã hội còn nhiều phức tạp, tệ nạn xã hội và những mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động xấu đến nhận thức, tình cảm và hành vi của các em. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội, game…đã có những tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh.
Qua công tác nắm tình hình nhận thấy: Học sinh thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường thường có xu hướng thực hiện một số hành vi tiêu cực như lạm dụng rượu, ma túy và các chất kích thích khác, tham gia tụ tập, đánh nhau, phá hoại tài sản, bỏ học, quan hệ tình dục sớm, tham gia giao thông không an toàn…Các hành vi này ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Dự báo trong thời gian tới, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục tiếp tục là vấn đề “nóng”sẽ được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nếu không có các biện pháp hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến AN trường học nói riêng và ANXH nói chung. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với ngành Giáo dục và các nhà trường trong phòng, chống tình trạng trên, chúng tôi đề ra một số giải pháp thực hiện như sau:
Một là, Ngành GD và nhà trường cần phối hợp hợp chặt chẽ hơn nữa với LLCA trong nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, chương trình phối hợp nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn ở cơ sở. Chú trọng đổi mới hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Giáo dục học sinh về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; Xây dựng quy chế phối hợp trong phòng, chống các vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục giữa ngành Giáo dục và lực lượng Công an, trong đó phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan khi có vụ việc xảy ra. Định kỳ hàng tháng lập danh sách các đối tượng học sinh hư, có biểu hiện côn đồ, hung hãn, có biểu hiện sử dụng, mua bán ma tuý, giao du với các đối tượng xấu ngoài xã hội, học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, tháo gương, tháo biển, độ xe gửi về lực lượng Công an để kịp thời có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp.
Hai là, tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng “Trường học an toàn về an ninh, trật tự” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác do Trung ương, địa phương và ngành Giáo dục phát động. Phối hợp xây dựng, củng cố và kiện toàn các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống nội quy, quy chế, quy ước về đảm bảo an ninh, trật tự, quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh và các quy định an toàn khác đối với cơ sở giáo dục. Đổi mới và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ, tổ xung kích, tổ tự quản thuộc tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh… tại các cơ sở giáo dục.
Ba là, chú trọng phối hợp trao đổi thông tin, phát huy hiệu quả các kênh thông tin, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tình hình vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục của quần chúng nhân dân. Tăng cường nắm, ngăn chặn kịp thời việc các đối tượng ngoài xã hội có biểu hiện gây rối, uy hiếp tinh thần, sức khỏe của các em học sinh hoặc dụ dỗ, lôi kéo các em thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, internet khu vực xung quanh các trường… ký cam kết đảm bảo an ninh, trật tự, không phục vụ học sinh các hoạt động giải trí như karaoke, internet, game online, rượu bia, thuốc lá, các chất gây nghiện khác…trong giờ học; không bán đồ chơi nguy hiểm, không chứa chấp tệ nạn xã hội và cầm cố tài sản của học sinh; không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, các loại pháo; không nhận gửi các xe mô tô không gắn biển, tháo gương, độ xe.
Bốn là, tăng cường phối hợp giữa Gia đình – Nhà trường – Tổ chức xã hội – Các ban, ngành, đoàn thể - Lực lượng Công an trong giải quyết các vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, vừa răn đe, vừa giáo dục, tạo môi trường học tập, giảng dạy lành mạnh của học sinh và giáo viên.
Năm là, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các nhóm học sinh có biểu hiện vi phạm; đồng thời phối hợp tổ chức giao ban, sơ, tổng kết các chuyên đề nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, thống nhất đề ra các giải pháp thiết thực nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh vi phạm pháp luật.
* Đối với các em học sinh: Qua các nội dung nêu trên, các em đã thấy được tác hại, sự nguy hiểm của các hành vi bạo lực học đường, vi phạm, tội phạm về ma tuý, vi phạm giao thông, quan hệ tình dục sớm… Đồng thời thấy được các thủ đoạn nguy hiểm của tội phạm ma tuý, tội phạm mua bán người, các đối tượng lưu manh, côn đồ thường lôi kéo học sinh… Vì vậy để giữ an toàn cho bản thân và góp phần đảm bảo an ninh học đường, Công an huyện đề nghị các em một số vấn đề sau:
- Không tham gia các diễn đàn về bạo lực, về tình dục trên MXH
- Không hút thuốc lá điện tử, hoặc sử dụng các loại cỏ Mỹ, kẹo, nước ngọt có chứa chất gây nghiện.
- Không độ xe, tháo biển hoặc vi phạm quy định về giao thông; Không tham gia các hoạt động tụ tập phóng xe trên đường hoặc đi giải quyết mâu thuẫn với các nhóm khác.
- Không nghe theo các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo đi đến những nơi mình chưa biết. Không quan hệ tình dục sớm.
- Nếu thấy bị rủ rê lôi kéo hoăc do không biết mà đã bị rủ rê lôi kéo thực hiện một trong các hành vi trên thì phải báo cáo với cha mẹ, thầy cô hoặc lực lượng công an nơi gần nhất hoặc phản ánh qua số điện thoại chỉ huy Đội CSHS, KT, MT Công an huyện: Số …...
* Đối với cá nhân các thầy cô nhất là Gv chủ nhiệm:
- Cần nắm chắc tình hình học sinh mà mình quản lý, gần gũi, trao đổi, chia sẻ để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường của học sinh như: Bỏ học, lực học giảm sút, không tập trung, buồn ngủ, ngáp vặt trong lớp hoặc các hành vi như sử dụng điện thoại quá mức, chơi game, hút thuốc lá điện tử, sử dụng chất kích thích… kịp thời phản ánh với ban Giám hiệu, trao đổi với gia đình và lực lượng Công an cơ sở để có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn…
- Phát hiện sớm các nhóm tiêu cực trên MXH: Zalo, Facebook, Tictok… để phối hợp với cơ quan CA phòng ngừa, ngăn chặn…
- Giữ mối quan hệ chặt chẽ với trinh sát quản lý địa bàn và Công an xã sở tại để phối hợp đảm bảo ANTT trường học…
Sự bình an đối với từng cá nhân trong môi trường học đường tác động trực tiếp đến tinh thần, thái độ học tập của học sinh cũng như việc giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục là một hiện tượng không mới, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Công tác phòng ngừa đòi hòi sự chung sức, đồng lòng của Cấp ủy, Lãnh đạo chính quyền địa phương, các tổ chức, ban ngành, đoàn thể, giáo viên, học sinh trong nhà trường. Vì vậy, Công an huyện Tứ Kỳ đề nghị cá nhân, tổ chức hãy nâng cao tinh thần, trách nhiệm xây dựng một môi trường học đường lành mạnh, để từng học sinh, giáo viên đều thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Trước khi dừng lời tôi xin kính chúc các vị đại biểu khách quý, các đồng chí tham dự hội nghị cùng toàn thể các em học sinh sức khoẻ, hạnh phúc./.